Chế độ dinh dưỡng tốt giúp bệnh nhân tăng đề kháng, chống nhiễm khuẩn, giảm biến chứng vết mổ và hồi phục sức khỏe nhanh.
Có 3 giai đoạn chuyển hóa sau phẫu thuật cần lưu ý dinh dưỡng. Ở giai đoạn đầu (1-2 ngày sau mổ), do ảnh hưởng của thuốc mê gây liệt ruột, trướng hơi, bệnh nhân có thể truyền tĩnh mạch các loại dịch cung cấp đường và điện giải hoặc uống chất lỏng (nước đường, sữa…).
Giai đoạn tiếp theo (3-5 ngày sau mổ), nhu động ruột trở lại bình thường khiến bệnh nhân có cảm giác đói, thèm ăn. Tuy nhiên, chỉ nên cho bệnh nhân ăn nhẹ thức ăn lỏng, dễ tiêu (sữa, nước cháo…)
Trong giai đoạn hồi phục, Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP HCM lưu ý, tình trạng vết mổ và sức khỏe đã ổn định, người bệnh cần tăng cường cung cấp dinh dưỡng, giúp cơ thể mau chóng hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường.
Bữa ăn cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất, đặc biệt là thức ăn giàu đạm, khoáng chất và vitamin như trứng, thịt, hải sản, đậu đỗ và sữa. Sữa là nguồn thực phẩm tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật vì giàu đạm, béo cùng nhiều dưỡng chất cần thiết, dễ tiêu hóa và hấp thu.
Thông thường giai đoạn này, người bệnh vẫn còn mệt, chưa thèm ăn, ăn uống còn ít, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, làm cơ thể chậm hồi phục. Việc uống bổ sung 1-3 ly sữa trong ngày là hữu ích để bổ sung dinh dưỡng, giúp tăng cân, cải thiện sức khoẻ chung.
Người bệnh cũng đừng quên tập luyện thể chất. Đi bộ là lựa chọn phù hợp cho giai đoạn này. Thời gian tập ban đầu ngắn, sau đó tăng dần tuỳ theo tình trạng sức khoẻ. Tập luyện ngoài tránh cứng khớp, teo cơ còn giúp tăng cường sức đề kháng, hấp thu dinh dưỡng.